Danh mục tin
Một ngày khi cho đồ ăn vào lò vi sóng, đột nhiên bạn nghe thấy có tiếng nổ lụp bụp và nhìn vào, bạn giật mình khi thấy các tia lửa điện trong lò. Tại sao chiếc lò vi sóng tiện dụng lại bỗng dưng biến thành mối nguy hiểm cháy nổ như vậy? Và phải làm sao trong trường hợp này để cả gia đình vừa được an toàn vừa cứu được chiếc lò vi sóng của bạn?
Điều đầu tiên bạn cần làm là ngắt nguồn điện ngay để tránh gây cháy nổ lớn hơn và hư hỏng thiết bị ở mức độ nặng hơn. Sau đó, bạn hãy tìm nguyên nhân làm lò vi sóng bị đánh lửa và từ đó có cách khắc phục phù hợp. Lò vi sóng có thể nấu chín và làm nóng thức ăn siêu nhanh thông qua sóng vi ba, một loại sóng điện từ có thể truyền trong không gian với vận tốc ánh sáng. Bởi hoạt động như vậy nên lò vi sóng thường bị đánh lửa do các nguyên nhân sau:
1. Nấu thức ăn với công suất lớn
Khi bạn nấu thức ăn với công suất lớn trong một thời gian dài sẽ xuất hiện hiện tượng điện áp cao, dẫn đến các bức xạ trong lò không được hấp thu hết sẽ phản xạ gây ra tia lửa. Để tránh tình trạng này, bạn không nên nấu một món quá lâu trong lò vi sóng và chọn mức công suất vừa phải.
2. Do dùng vật dụng bằng kim loại trong lò vi sóng
Lò vi sóng khá kén chọn vật sử dụng khi chỉ đồ thủy tinh, đồ gốm và đồ nhựa được dán nhãn “sử dụng được trong lò vi sóng” là dùng được trong thiết bị này.
Riêng các món đồ nấu ăn bằng kim loại hay có một phần chất kim loại hoặc có hoa văn lấp lánh được cảnh báo không dùng trong lò vi sóng. Lí do vì chất kim loại sẽ khiến sóng vi ba trong lò lệch khỏi thực phẩm, chuyển sang tập trung vào các góc cạnh của vật kim loại, ion hóa không khí xung quanh gây ra tiếng nổ lách tách và những tia lửa hơi giống như tia chớp.
Việc gói giấy bạc cho thực phẩm cũng có thể gây đánh lửa trong lò khi sử dụng không phải cho chức năng nướng. Với nguyên nhân này bạn có thể tự khắc phục được bằng cách tắt lò, để một lát cho vật nấu nguội rồi lấy vật dụng đó ra. Bạn có thể kiểm tra 1 vật dụng có thể dùng được trong lò vi sóng không bằng cách đặt 1 bát thủy tinh đầy nước bên cạnh, bật chế độ nấu công suất cao trong vòng 1 phút. Nếu nước trong bát ấm lên mà vật cần kiểm tra không thay đổi nhiệt độ thì vật dụng đó thích hợp với lò vi sóng. Còn nếu nước không ấm lên mà vật cần kiểm tra lại ấm lên, tức là vật dụng đó hấp thụ sóng vi ba và không thích hợp sử dụng trong lò vi sóng.
3. Tấm chắn sóng bị hư
Đây cũng là một nguyên nhân khá phổ biến gây đánh lửa trong lò. Tấm chắn sóng có thể bị hỏng vì nhiều lí do: thời gian sử dụng lâu gây cũ; thức ăn thừa, dầu mỡ, gia vị lâu ngày không được lau chùi sẽ bám dính vào thành lò, gây rỉ sét và ăn mòn. Với trường hợp này, bạn cần tắt thiết bị, lau sạch chỗ rỉ sét và kiểm tra xem lò đã bị ăn mòn đến mức độ nào. Bạn có thể gọi thợ sửa lò để họ sơn giúp sơn cách nhiệt cách điện. Nếu ngoài tiếng nổ lách tách và tia lửa mà bạn thấy có cả khói bốc lên, thì chắc chắn tấm chắn sóng đã hư hỏng hoàn toàn. Lúc này điều duy nhất bạn có thể làm là mang lò vi sóng đến trung tâm sửa chữa để thay tấm chắn sóng mới.
Trên đây là 3 nguyên nhân chủ yếu thường gây ra hiện tượng đánh lửa ở lò vi sóng. Đa phần những nguyên nhân này bạn đều có thể tránh được bằng sự cẩn thận của mình. Chúc bạn sẽ sử dụng lò vi sóng một cách thông minh nhất để luôn an toàn và tiện lợi nhé.
Theo egiadung